Trong quá trình hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động, doanh nghiệp sẽ đặt ra không ít những câu hỏi vướng mắc liên quan đến các loại phí được thu từ người lao động. Trong đó, phí môi giới là một trong những loại phí được cả doanh nghiệp và người lao động quan tâm. Vậy theo quy định pháp luật, doanh nghiệp có được thu phí môi giới từ lao động không? Hãy cùng Luật Thành Đô giải đáp thắc mắc này thông qua bài viết dưới đây.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006;
– Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020;
– Nghị định 38/2020/NĐ-CP 38/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 04/9/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
II. DOANH NGHIỆP CÓ ĐƯỢC THU PHÍ MÔI GIỚI TỪ LAO ĐỘNG KHÔNG?
Thông tư liên tịch số 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 04/9/2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính quy định cụ thể về tiền môi giới và tiền dịch vụ trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài như sau:
Tiền môi giới là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho bên môi giới để ký kết và thực hiện hợp đồng cung ứng lao động. Người lao động có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Tiền môi giới không áp dụng đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng mới.
Các doanh nghiệp không được thu tiền môi giới của người lao động đối với những thị trường, những hợp đồng mà bên đối tác nước ngoài không có yêu cầu về tiền môi giới.
Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, doanh nghiệp có thể thu phí môi giới từ lao động, tuy nhiên không được thu đối với những thị trường, những hợp đồng mà bên đối tác nước ngoài không có yêu cầu về tiền môi giới.
Tuy nhiên Theo Luật Người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 69/2020/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 thì “Thu tiền môi giới của người lao động” là một trong các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Do đó, Doanh nghiệp cần lưu ý đối chiếu hiệu lực thi hành của Luật trong quá trình tiến hành thu các khoản tiền từ người lao động trong quá trình hoạt động.