Hoạt động xuất khẩu lao động là hoạt động kinh tế dưới hình thức cung ứng lao động Việt Nam ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ cho nhu cầu nhân công lao động của doanh nghiệp nước ngoài. Người lãnh đạo xuất khẩu lao động là người trực tiếp lãnh đạo, điều hành hoạt động xuất khẩu lao động. Do đó, người lãnh đạo xuất khẩu lao động phải đáp ứng các điều kiện nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động xuất khẩu lao động của doanh nghiệp được diễn ra thuận lợi, hiệu quả và đúng pháp luật. Để làm rõ các điều kiện người lãnh đạo xuất khẩu lao động phải đáp ứng, Luật Thành Đô xin được trình bày thông qua bài viết dưới đây.
I. ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI LÃNH ĐẠO XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG THEO LUẬT NĂM 2006
Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
(2) Có trình độ từ đại học trở lên,
(3) Có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế
(4) Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành bản án hình sự của toà án, không trong thời hạn cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc
II. ĐIỀU KIỆN ĐỂ TRỞ THÀNH NGƯỜI LÃNH ĐẠO XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG THEO LUẬT NĂM 2020
Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2020 quy định Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
(1) Là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
(2) Là công dân Việt Nam
(3) Trình độ từ đại học trở lên
(4) Có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm;
(5) Không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
Không có án tích về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;
Như vậy, so với Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài năm 2006, Luật năm 2020 có những điểm mới quy định chặt chẽ hơn về điều kiện người lãnh đạo hoạt động xuất khẩu lao động. Trong đó có 2 điểm nổi bật:
Thứ nhất, về tư cách công dân
Luật năm 2020 quy định người lãnh đạo xuất khẩu lao động phải là công dân Việt Nam
Thứ hai, về kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu lao động của người lãnh đạo
Luật năm 2020 quy định người lãnh đạo xuất khẩu lao động phải ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm, tăng thêm 2 năm kinh nghiệm so với quy định của Luật năm 2006.