Hoạt động xuất khẩu lao động là một trong những ngành nghề kinh doanh đang thu hút được nhiều sự quan tâm của các Nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong thời gian gần đây, Luật Thành Đô nhận được rất nhiều yêu cầu tư vấn từ các Nhà đầu tư về việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được cấp Giấy phép xuất khẩu lao động hay không? Nhằm giải đáp những vướng mắc của các Nhà đầu tư, Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết làm rõ vấn đề Doanh nghiệp có vốn nước ngoài được cấp giấy phép xuất khẩu lao động hay không?
1. CĂN CỨ PHÁP LÝ THAM CHIẾU
1. Cam kết của WTO mà Việt Nam là thành viên.
2. Luật đầu tư số 67/2015/QH13;
3. Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng số 72/2006/QH11;
4. Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
5. Nghị định số 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn một số điều của Luật đầu tư;
6. Thông tư số 21/2007/TT-BLĐTBXH hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 126/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 08 năm 2017 của Chính Phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
7. Một số văn bản khác có liên quan.
Các bài viết cùng chủ đề: Giấy phép xuất khẩu lao động 1. Tư vấn thủ tục xin cấp giấy phép xuất khẩu lao động năm 2021 2. Giấy phép xuất khẩu lao động 3. Điều kiện cấp giấy phép xuất khẩu lao động năm 2021 |
2. TƯ VẤN XIN GIẤY PHÉP XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG CHO DOANH NGHIỆP CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM
Trước hết, để doanh nghiệp được hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, doanh nghiệp phải có Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ghi nhận ngành nghề kinh tế phù hợp và phải được cấp Giấy phép xuất khẩu lao động. Theo đó, ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp bắt buộc phải có ngành nghề sau:
Cung ứng và quản lý nguồn lao động (Mã ngành 7830)
Chi tiết: Cung ứng và quản lý nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài
Đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, do còn chịu sự điều chỉnh của Luật đầu tư nên các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ được phép đầu tư kinh doanh trong những lĩnh vực mà pháp luật Việt Nam cho phép. Những ngành, nghề chưa được cam kết hoặc không được quy định tại Biểu cam kết WTO và điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên, nếu doanh nghiệp muốn được kinh doanh trong các lĩnh vực này, khi tiến hành đăng ký ngành nghề kinh doanh, Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ quản lý chuyên ngành để xem xét, quyết định có cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được đăng ký hoạt động trong lĩnh vực đó hay không.
Theo biểu cam kết WTO mà Việt Nam là thành viên, dịch vụ xuất khẩu lao động chưa được Việt Nam cam kết/cho phép Nhà đầu tư nước ngoài được đăng ký kinh doanh trong lĩnh vực này. Do vậy, để đăng ký được ngành nghề kinh doanh này, Cơ quan đăng ký đầu tư sẽ hỏi ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ quản lý chuyên ngành) trong việc xem xét, quyết định có cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đang ký ngành nghề này hay không?
Tuy nhiên, do xuất khẩu lao động là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Doanh nghiệp chỉ được phép tiến hành hoạt động xuất khẩu lao động khi đã được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cấp Giấy phép xuất khẩu lao động cho doanh nghiệp.
Tại khoản 4 điều 8 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 quy định như sau:
“Chính phủ quy định các loại hình doanh nghiệp được hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn và lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.”
Điều 2 Nghị định số 126/2007/NĐ-CP quy định:
“Loại hình doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (khoản 4 Điều 8 của Luật)
Doanh nghiệp được xem xét cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi tắt là Giấy phép) là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam.”
Đối chiếu với quy định trên, chỉ có các doanh nghiệp do 100% vốn góp của các tổ chức, cá nhân trong nước thành lập mới được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét để cấp Giấy phép xuất khẩu lao động. Do vậy, khi Cơ quan đăng ký đầu tư hỏi ý kiến của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về việc có cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đăng ký hoạt động trong lĩnh vực cung ứng và quản lý nguồn lao động đi làm việc tại nước ngoài hay không? Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ căn cứ vào các quy định tại Nghị định số 126/2007/NĐ-CP để từ chối việc cho phép doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được đăng ký hoạt động trong lĩnh cung ứng và quản lý người lao động đi làm việc tại nước ngoài.
Trường hợp, nếu doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài vẫn được Cơ quan đăng ký đầu tư cho phép đăng ký ngành nghề cung ứng và quản lý nguồn lao động đi làm việc tại nước ngoài, thì khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy phép xuất khẩu lao động, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng sẽ từ chối cấp Giấy phép xuất khẩu lao động cho các doanh nghiêp có vốn đầu tư nước ngoài.
Từ những phân tích trên, Luật Thành Đô khẳng định chỉ các doanh nghiệp có 100% vốn điều lệ của các tổ chức, cá nhân Việt Nam mới cấp Giấy phép xuất khẩu lao động và được hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc (xuất khẩu lao động).
Trên đây là toàn bộ nội dung liên quan đến việc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có được cấp Giấy phép xuất khẩu lao động hay không. Mọi thắc mắc có liên quan đến việc cấp giấy phép xuất khẩu lao động xin Quý khách hàng vui lòng liên hệ theo thông tin liên hệ của Luật Thành Đô cung cấp dưới đây.