Trong thời gian vài năm gần đây, nhu cầu khám chữa bệnh của người Việt Nam đang tăng cao, do đó các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã và đang bỏ vốn để đầu tư kinh doanh thành lập bệnh viện tại Việt Nam. Để nhà đầu tư hiểu rõ hơn về việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh bệnh viện, Luật Thành Đô trân trọng giới thiệu bài viết: “Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh bệnh viện”.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật đầu tư số 61/2020/QH14;
– Nghị định 31/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật đầu tư;
– Thông tư 03/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 09/04/2021 quy định mẫu văn bản, báo cáo liên quan đến hoạt động đầu tư tại Việt Nam, đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài và xúc tiến đầu tư;
– Các văn bản pháp luật khác có liên quan.
II. ĐIỀU KIỆN ĐẦU TƯ THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH BỆNH VIỆN
Theo biểu cam kết WTO thì lĩnh vực kinh doanh bệnh viện (CPC 9311) là một trong các lĩnh vực không hạn chế nên các nhà đầu tư nước ngoài được phép triển khai đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên căn cứ điều 23 Thông tư số 41/2011/TT-BYT thì để thành lập bệnh viện, nhà đầu tư nước ngoài cần phải xin giấy phép hoạt động đối với bệnh viện.
Vì vậy, để thành lập công ty kinh doanh bệnh viện, nhà đầu tư cần thực hiện các thủ tục như sau:
Bước 1: Thực hiện thủ tục đầu tư để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài và đăng ký hoạt động ngành nghề dịch vụ bệnh viện (CPC 9311)
Bước 2: Xin cấp giấy phép hoạt động bệnh viện cho bệnh viện do công ty thành lập
III. THỦ TỤC THÀNH LẬP CÔNG TY KINH DOANH BỆNH VIỆN
3.1. Thủ tục thành lập công ty kinh doanh bệnh viện
Căn cứ khoản 1 điều 33 Luật đầu tư thì trong trường hợp dự án đầu tư thành lập công ty để kinh doanh bệnh viện thì thành phần hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư như sau:
(1) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư trong đó nêu rõ nội dung dự án đầu tư thành lập bệnh viện;
(2) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư bao gồm CMND/CCCD/Hộ chiếu hoặc Đăng ký kinh doanh/Quyết định thành thập;
(3) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư đáp ứng việc xây dựng bệnh viện bao gồm một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
(4) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
(5) Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
(6) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
(7) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
(8) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Hồ sơ nêu trên áp dụng cả cho trường hợp dự án thành lập công ty kinh doanh bệnh viện của nhà đầu tư thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư.
Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ nộp cho cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền.
3.2. Thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động bệnh viện
Căn cứ điều 43 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP quy định về hồ sơ đăng ký hoạt động cho bệnh viện bao gồm các thành phần sau:
(1) Đơn đề nghị cấp giấy phép hoạt động;
(2) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có vốn đầu tư nước ngoài;
(3) Bản sao hợp lệ chứng chỉ hành nghề của người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; người phụ trách bộ phận chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
(4) Danh sách đăng ký người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (bao gồm đăng ký người hành nghề và người làm việc chuyên môn y tế tại cơ sở nhưng không thuộc diện phải cấp chứng chỉ hành nghề);
(5) Bản kê khai cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức và nhân sự của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
(6) Tài liệu chứng minh cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị y tế, tổ chức nhân sự phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn của một trong các hình thức tổ chức quy định tại Mục 1 Chương III Nghị định này;
(7) Điều lệ tổ chức và hoạt động đối với bệnh viện nhà nước thực haiện theo mẫu quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế; đối với bệnh viện tư nhân thực hiện theo Mẫu 03 Phụ lục XI ban hành kèm theo Nghị định này và phương án hoạt động ban đầu đối với bệnh viện;
(8) Bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh đối với bệnh viện, nhà hộ sinh không có phương tiện vận chuyển cấp cứu ngoài cơ sở;
(9) Danh mục chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đề xuất trên cơ sở danh mục chuyên môn kỹ thuật do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
(10) Đối với cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh: Bản sao hợp lệ hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với bệnh viện. Trong trường hợp có cung cấp dịch vụ vận chuyển người bệnh ra nước ngoài cần có bản sao hợp lệ hợp đồng vận chuyển người bệnh với công ty dịch vụ hàng không.
Nhà đầu tư chuẩn bị hồ sơ nộp cho Bộ Y tế.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của Luật Thành Đô về việc thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài kinh doanh bệnh viện. Nếu Quý độc giả còn có bất cứ vướng mắc nào liên quan, vui lòng liên hệ Công ty Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp chi tiết.