Hà Nội là một trong những địa bàn thu hút được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Với nhiều ưu thế khi là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước, việc thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Hà Nội có gì cần lưu ý, hãy cùng Luật Thành Đô tìm hiểu qua bài viết “Thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Hà Nội”.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Luật đầu tư số 61/2020/QH14;
– Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
– Văn bản pháp lý khác có liên quan.
II. LÝ DO LỰA CHỌN HÀ NỘI LÀM ĐỊA BÀN ĐỂ ĐẦU TƯ
– Hà Nội là trung tâm Kinh tế- chính trị – Văn hóa- Xã hội của cả nước nên thu hút được nhiều nhà đầu tư trong nước cũng như nước ngoài.
– Hà Nội có lực lượng lao động lớn, và chi phí lao động ở đây rẻ.
– Hà Nội là một thành phố hòa bình được đánh giá cao về Chỉ số phát triển con người (HDI), tốc độ tăng trưởng GDP.
III. THÀNH LẬP CÔNG TY CÓ VỐN NƯỚC NGOÀI TẠI HÀ NỘI
3.1. Xác định các trường hợp xin chấp thuận chủ trương đầu tư
– Không phải mọi trường hợp khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài đều phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư mà chỉ có những trường hợp như quy định trong luật đầu tư. Nếu nhà đầu tư không thuộc trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư thì nhà đầu tư bỏ qua bước này để thực hiện bước xin giấy chứng nhận đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và xin giấy phép của lĩnh vực chuyên ngành nếu là ngành nghề có điều kiện.
– Việc xin chấp thuận đầu tư căn cứ vào từng dự án đầu tư và các trường hợp phải xin dự án đầu tư được quy định rõ trong Luật đầu tư. Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư hiện nay theo quy định của Luật Đầu tư được xác định gồm: Quốc hội; Thủ tướng chính phủ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3.2. Xin giấy chứng nhận đầu tư
Khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại các tỉnh cần lưu ý các trường hợp phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư bao gồm:
– Dự án đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài;
– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có tổ chức kinh tế nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
– Dự án đầu tư của tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Sau khi xác định xong vấn đề trên, nhà đầu tư cần tiến hành các bước sau đây để tiến hành thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/chấp thuận chủ trương đầu tư
(1) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;
(2) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;
(3) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;
(4) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;
(5) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;
(6) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;
(7) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;
(8) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).
Bước 2: Nộp lên cơ quan có thẩm quyền để xin cấp giấy phép đăng ký đầu tư/chấp thuận chủ trương đầu tư
– Trường hợp dự án đầu tư không phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư
+ Nộp 01 hồ sơ đến cơ quan đăng ký đầu tư: Sở kế hoạch và đầu tư nơi dự kiến đặt trụ sở chính hoặc Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao (Sau đây gọi chung là KCN)
+ Sau 15 ngày làm việc: Nhận kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư/Thông báo sửa đổi/bổ sung hồ sơ
– Trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ
+ Nộp 08 hồ sơ xin quyết định chủ trương tại Bộ kế hoạch và đầu tư
+ Sau 63 ngày làm việc: Nhận kết quả là Quyết định chủ trương đầu tư của nhà đầu tư hoặc Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ;
+ Sau 5 ngày làm việc: Nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
– Trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
+ Nộp 04 hồ sơ xin quyết định chủ trương tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố
+ Sau 35 ngày làm việc: Nhận kết quả là Quyết định chủ trương đầu tư của nhà đầu tư hoặc Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ;
+ Sau 5 ngày làm việc: Nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
– Trường hợp phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư của Ban quản lý các KCN
+ Nộp 04 hồ sơ xin quyết định chủ trương tại Ban quản lý các KCN
+ Sau 35 ngày làm việc: Nhận kết quả là Quyết định chủ trương đầu tư của nhà đầu tư hoặc Thông báo sửa đổi, bổ sung hồ sơ;
+ Sau 5 ngày làm việc: Nhận giấy chứng nhận đăng ký đầu tư
Nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm có: Tên dự án đầu tư, Nhà đầu tư, Mã số dự án đầu tư, Địa điểm thực hiện dự án đầu tư, diện tích đất sử dụng, Mục tiêu, quy mô dự án đầu tư, Vốn đầu tư của dự án đầu tư (gồm vốn góp của nhà đầu tư và vốn huy động), Thời hạn hoạt động của dự án đầu tư, Tiến độ thực hiện dự án đầu tư (bao gồm Tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn và Tiến độ thực hiện các mục tiêu hoạt động chủ yếu của dự án đầu tư, trường hợp dự án đầu tư chia thành từng giai đoạn thì phải quy định tiến độ thực hiện từng giai đoạn), Hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và căn cứ, điều kiện áp dụng (nếu có), Các điều kiện đối với nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư (nếu có).
3.3. Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Hà Nội
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp tương ứng với các loại hình doanh nghiệp bao gồm các tài liệu sau:
(1) Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
(2) Điều lệ công ty;
(3) Danh sách thành viên đối với Công ty TNHH hai thành viên trở lên, công ty hợp danh; Danh sách cổ đông sáng lập, danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần;
(4) Bản sao hợp lệ một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân (Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu) đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là cá nhân; Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác, một trong các giấy tờ chứng thực cá nhân của người đại diện theo ủy quyền và văn bản ủy quyền tương ứng đối với trường hợp người thành lập doanh nghiệp là tổ chức;
(5) Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
(6) Văn bản ủy quyền trong trường hợp ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác thực hiện thủ tục.
Bước 2: Nộp 01 hồ sơ đến cơ quan đăng ký kinh doanh
Phòng đăng ký kinh doanh – Sở kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội
Bước 3: Giải trình hồ sơ và nhận kết quả
Kết quả là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Thông báo sửa đổi/bổ sung hồ sơ.
Trên đây là tư vấn của Luật Thành Đô liên quan đến thành lập công ty có vốn nước ngoài tại Hà Nội. Nếu quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc nào, vui lòng liên hệ Luật Thành Đô để được hỗ trợ tư vấn, giải đáp chi tiết.