Pháp luật về xuất khẩu lao động quy định ký quỹ là một trong những điều kiện bắt buộc, không chỉ đối với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước mà còn đối với cả người lao động được doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài. Theo điều 330 Bộ luật dân sự năm 2015 thì Ký quỹ là việc một bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong toả tại một tổ chức tín dụng để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ. Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên có quyền được tổ chức tín dụng nơi ký quỹ thanh toán, bồi thường thiệt hại do bên có nghĩa vụ gây ra, sau khi trừ chi phí dịch vụ. Để giúp các Quý doanh nghiệp nắm rõ hơn các quy định của pháp luật về ký quỹ trong hoạt động xuất khẩu lao động, Luật Thành Đô trân trọng gửi tới Quý doanh nghiệp bài viết “Những điều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cần biết về tiền ký quỹ” để các Quý doanh nghiệp có thể tham khảo.
I. CĂN CỨ PHÁP LÝ
– Bộ luật dân sự số 91/2015/QH13;
– Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020;
– Luật Doanh nghiệp 2020;
– Nghị định 112/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Thông tư 21/2021/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
– Các văn bản hướng dẫn có liên quan khác.
II. ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN KÝ QUỸ
– Doanh nghiệp dịch vụ được cấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng – giấy phép xuất khẩu lao động (gọi tắt là doanh nghiệp dịch vụ);
– Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp dịch vụ (gọi tắt là người lao động).
III. QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KÝ QUỸ CỦA DOANH NGHIỆP DỊCH VỤ
1. Mức tiền ký quỹ
– Theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp dịch vụ sẽ phải thực hiện ký quỹ với mức 2.000.000.000 đồng (Hai tỷ đồng).
– Trường hợp doanh nghiệp giao nhiệm vụ cho chi nhánh thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì phải ký quỹ thêm 500.000.000 đồng (Năm trăm triệu đồng) đối với mỗi chi nhánh được giao nhiệm vụ.
2. Thủ tục ký quỹ
– Doanh nghiệp gửi Giấy đề nghị mở tài khoản tiền ký quỹ đến tại một ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.
– Ngân hàng và doanh nghiệp dịch vụ sẽ ký kết hợp đồng ký quỹ có các nội dung: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, người đại diện hợp pháp của ngân hàng nhận ký quỹ; số tiền ký quỹ; mục đích ký quỹ; lãi suất tiền gửi ký quỹ theo thỏa thuận; hình thức trả lãi tiền ký quỹ; sử dụng tiền ký quỹ; rút tiền ký quỹ; tất toán tài khoản ký quỹ; trách nhiệm của các bên liên quan và các nội dung khác phù hợp với quy định của pháp luật.
– Khi đã đóng đủ tiền ký quỹ, Ngân hàng sẽ gửi cho doanh nghiệp dịch vụ Giấy xác nhận ký quỹ để nộp cho Cục Quản lý lao động ngoài nước.
3. Quản lý tiền ký quỹ
Tiền ký quỹ được ngân hàng nhận ký quỹ phong tỏa theo quy định của pháp luật.
4. Sử dụng tiền ký quỹ
Tiền ký quỹ chỉ được sử dụng theo yêu cầu bằng văn bản của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trong các trường hợp sau:
– Doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ được quy định tại điểm c, đ và h khoản 2 Điều 26 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quy định tại các điểm e, g khoản 2 Điều 26 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ khác trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Lưu ý: Sau 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả số tiền ký quỹ đã sử dụng và đảm bảo mức ký quỹ theo quy định.
5. Thủ tục tất toán tiền ký quỹ
Doanh nghiệp được hoàn trả tiền ký quỹ và tất toán tài khoản trong các trường hợp sau:
– Doanh nghiệp không nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Khi đó doanh nghiệp nộp lại 02 bản chính giấy xác nhận ký quỹ cho ngân hàng nhận ký quỹ để nhận lại tiền ký quỹ.
– Doanh nghiệp không được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc doanh nghiệp đã ký quỹ tại tài khoản khác và đề nghị tất toán tài khoản đã ký quỹ trước đó hoặc doanh nghiệp dịch vụ đã giải thể theo quy định. Khi đó doanh nghiệp cung cấp văn bản của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị ngân hàng nhận ký quỹ trả lại tiền ký quỹ cho doanh nghiệp.
– Doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sau khi nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
Trường hợp này, doanh nghiệp cung cấp văn bản của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị ngân hàng nhận ký quỹ trả lại tiền ký quỹ cho doanh nghiệp sau khi đã hoàn tất thủ tục báo cáo với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
– Doanh nghiệp dịch vụ chấm dứt giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài cho chi nhánh hoặc chi nhánh chấm dứt hoạt động. Khi đó doanh nghiệp cung cấp văn bản của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị ngân hàng nhận ký quỹ trả lại phần ký quỹ của doanh nghiệp đã thực hiện đối với chi nhánh.
IV. QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG KÝ QUỸ CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Các trường hợp áp dụng và mức tiền ký quỹ
– Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động về việc ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
– Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa của người lao động tại ngân hàng.
– Người lao động được nhận lại cả gốc và lãi tiền ký quỹ khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
– Trưòng hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra; nếu tiền ký quỹ còn thừa thì phải trả lại cho người lao động, nếu không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.
– Trường hợp có tranh chấp phát sinh về việc doanh nghiệp dịch vụ không trả tiền ký quỹ, người lao động có quyền kiến nghị đến Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
– Mức trần tiền ký quỹ đối với người lao động tại một số thị trường, ngành, nghề như sau:
TT |
THỊ TRƯỜNG |
NGÀNH, NGHỀ |
MỨC TRẦN TIỀN KÝ QUỸ (bằng tiền VNĐ) |
1 |
Đài Loan (Trung Quốc) |
Thuyền viên tàu cá xa bờ và tàu vận tải |
Không ký quỹ |
Các ngành, nghề khác |
12.000.000 đồng |
||
2 |
Hàn Quốc |
Thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải |
Không ký quỹ |
Các ngành, nghề khác |
36.000.000 đồng |
||
3 |
Nhật Bản, các nước thuộc khu vực châu Mỹ, Đông Nam Á, Trung Đông |
Mọi ngành, nghề |
Không ký quỹ |
4 |
Các quốc gia và khu vực khác |
Thuyền viên tàu cá xa bờ, tàu vận tải |
Không ký quỹ |
Các ngành, nghề khác |
Tương đương giá trị 01 lượt vé máy bay hạng phổ thông từ nơi làm việc về Việt Nam |
2. Thời điểm thực hiện ký quỹ của người lao động
Việc ký quỹ chỉ được thực hiện sau khi doanh nghiệp dịch vụ và người lao động ký Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người lao động đã được phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc hoặc cấp thị thực nhập cảnh nước hoặc vùng lãnh thổ làm việc.
3. Quản lý và sử dụng tiền ký quỹ
– Tiền ký quỹ của người lao động được sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra đối với doanh nghiệp dịch vụ theo Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
– Doanh nghiệp dịch vụ và người lao động hoặc người được người lao động ủy quyền thỏa thuận thống nhất về mức bù đắp thiệt hại của người lao động và ghi trong văn bản thanh lý hợp đồng.
4. Các trường hợp hoàn trả tiền ký quỹ của người lao động
– Người lao động hoàn thành hợp đồng hoặc chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trước thời hạn nhưng không gây thiệt hại cho doanh nghiệp; người lao động đơn phương chấm dứt Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 6 của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
– Người lao động đã nộp tiền ký quỹ nhưng doanh nghiệp không đưa được người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn đã cam kết hoặc quá thời hạn chờ xuất cảnh và người lao động không còn nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài;
– Các trường hợp người lao động không gây thiệt hại cho doanh nghiệp;
– Tiền ký quỹ của người lao động còn lại sau khi đã bù đắp thiệt hại phát sinh đối với doanh nghiệp do lỗi của người lao động gây ra theo Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Trên đây là những tư vấn, phân tích của Luật Thành Đô về những vấn đề liên quan đến tiền ký quỹ đối với công ty hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Hy vọng rằng với những kiến thức chúng tôi đã cung cấp ở trên sẽ giúp cho Quý khách hàng có được nền tảng cơ bản nhất để hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng quy định. Nếu Quý khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này thì có thể liên hệ trực tiếp với Luật Thành Đô để được tư vấn và giải đáp một cách chi tiết nhất.